Hội thảo "Thực tiễn tốt trong cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh"
29/08/2014

 

Sáng ngày 29/8/2014, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo "Thực tiễn tốt trong cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh" tại khách sạn Northern, thành phố Đà Nẵng. Tham dự Hội thảo có ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cùng với sự tham gia của hơn 100 đại biểu các sở, ban, ngành, chuyên gia đến từ các tỉnh Bắc Ninh, Bình Phước, Thái Nguyên, Tuyên Quang và khu vực Miền trung - Tây Nguyên. Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định cũng tham dự Hội thảo này.

 

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết: Sau hơn 10 năm VCCI với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đã triển khai Đề án cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh và bước đầu đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Qua những kết quả và kinh nghiệm tại các địa phương cho thấy, môi trường cải thiện đầu tư, kinh doanh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư cho địa phương. Điều này được chính minh khi cả nước đã có 46/63 tỉnh, thành đã ban hành các văn bản, chính sách cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đặc biệt chỉ riêng trong khoảng thời gian từ khi công bố chỉ số PCI năm 2013 đến nay, đã có 15 tỉnh, thành  ban hành các văn bản về cải thiện PCI. Nhìn chung, các văn bản này, ngoài ý nghĩa góp phần tích cực để các địa phương lãnh đạo, điều hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các yêu cầu, nhiệm vụ liên quan đến việc cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, đây còn là minh chứng rõ sự lan tỏa, nhân rộng các mô hình, kinh nghiệm được học tập từ những địa phương có thành công trước đó. Chính hiệu quả mang lại như vậy, VCCI đang chủ trương tiếp tục đẩy mạnh Đề án, trong đó ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ các địa phương học tập, nhân rộng kinh nghiệm của các địa phương đã có nhiều thành công trong công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Tại hội thảo, các địa phương đã chia sẽ những kinh nghiệm hay, hiệu quả trong việc cải thiện PCI của các tỉnh. Cụ thể như: thành phố Đà Nẵng xây dựng Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử Đà Nẵng. Đây là công cụ để gắn kết người dân, tổ chức và doanh nghiệp với hệ thống chính quyền thành phố, tạo được môi trương thuận lợi cho sự giao tiếp với chính quyền, hưởng lợi từ các dịch cụ công do chính quyền cung cấp, đồng thời cũng để người dân, tổ chức và doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ trách nhiệm của mình. Đối với tỉnh Bình Phước thì thành lập Tổ công tác thực hiện chương trình PCI với vai trò thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức; tập trung chỉ đạo cải thiện các thành phần có tính chất nhạy cảm như Gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Chi phí không chính thức. Ban hành kế hoạch thực hiện theo giai đoạn và từng năm. Kiểm tra thực hiện công tác PCI ở các đơn vị và tổ chức Tổng kết hàng năm. Ngoài ra, còn có các kinh nghiệm trong xử lý khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp của tỉnh Bắc Ninh. Sự tham gia của các Hiệp hội doanh nghiệp trong cải thiện mối quan hệ chính quyền - doanh nghiệp tại các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang.... Đồng thời, các tỉnh, thành phố cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức và giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong thời gian tới.

Việc chia sẻ những sáng kiến hay sẽ giúp các tỉnh, thành phố học hỏi để xây dựng các kế hoạch cải thiện PCI cho tỉnh mình. Đồng thời, bản thân mỗi địa phương, nhất là các địa phương đã thành công cũng luôn vận động không ngừng cải thiện để tiếp tục nâng cao vị trí của mình so với các năm trước.

Đối với tỉnh Bình Định, trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2011 khi Bình Định xếp hạng thứ 38/63 tỉnh, thành phố, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 07 về một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011 và các năm tiếp theo.

Sau khi Chỉ thị số 07 được ban hành, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch hành động theo chức năng nhiệm vụ của mình nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Trong đó xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện là: chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; chi phí không chính thức thấp; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; lãnh đạo chính quyền tỉnh năng động và sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; chính sách đào tạo lao động tốt; thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả.

Kết quả của việc triển khai Chỉ thị 07, năm 2012 PCI của Bình Định xếp vị trí thứ 4 thuộc nhóm Tốt, năm 2013 xếp vị trí thứ 18 thuộc nhóm Khá. Như vậy trong 2 năm triển khai theo Chỉ thị số 07 vị trí xếp hạng PCI của Bình Định đã được cải thiện rõ rệt.

Có thể nói Chỉ thị 07 ra đời đã tập trung quyết liệt vào hỗ trợ cho doanh nghiệp trong vấn đề giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được tài liệu kế hoạch của tỉnh và văn bản pháp lý cần thiết cho công việc kinh doanh của mình, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, cũng như ban hành hàng loạt văn bản và tổ chức đối thoại để các ngành, các cấp, các địa phương chấn chỉnh, làm hài lòng các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tuy nhiên, PCI 2013 Bình Định đã tụt 14 bậc từ thứ 4 so với năm 2012 xuống xếp thứ 18 thuộc nhóm Khá. Trong 9 chỉ số thành phần thì Bình Định có 5 chỉ số tăng điểm so với năm 2012 là Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý. Trong khi lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng với các ngành, các địa phương của tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện nhiều chính sách liên quan đến thu hút đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh luôn phối hợp với VCCI tổ chức nhiều lược hội thảo để tìm ra nguyên nhân và đưa ra các giải pháp để khắc phục tình trạng này. Từ chỉ đạo trực tiếp đến ban hành hàng loạt văn bản, chỉ thị, đối thoại để các ngành, các cấp, các địa phương chấn chỉnh, làm hài lòng các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc tụt hạng năm PCI 2013 là điều đáng tiếc và có thể nói là bất ngờ.

Nhằm khắc phục những hạn chế, cải thiện thứ hạng PCI trong năm 2014 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở ban ngành, địa phương trong tỉnh tìm ra nguyên nhân, hạn chế và xây dựng các giải pháp có tính thiết thực để thực hiện trong thời gian tới. Mà nội dung chính tập trung vào 10 vấn đề: Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý, Tiếp cận đất đai, Gia nhập thị trường, Tính minh bạch, Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức, Môi trường cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động và tiên phong giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp của lãnh đạo các cấp.

Cụ thể, trước mắt, yêu cầu các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các công việc sau đây:

1. Tiếp tục triển khai Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 10/6/2011 một cách nghiêm túc. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên đôn đốc và báo cáo, đề xuất tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị này để UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo, giải quyết.

2. Đề nghị lãnh đạo các cấp, các ngành tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư không để các vụ việc giải quyết dây dưa, kéo dài, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Định kỳ mỗi năm 2 lần, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp nhằm kịp thời giải quyết những khó khắn, vướng mắc. Trước mắt, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với VCCI và các cơ quan liên quan của tỉnh tổ chức buổi đối thoại vào tháng 6/2014.

3. Giao Sở Thông tin Truyền thông hỗ trợ các Sở, Ban, ngành và địa phương cải tiến các website để đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin của tỉnh, trang thông tin xúc tiến đầu tư và hợp tác, website của các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố và tại trụ sở cơ quan, đơn vị nhằm thực hiện công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh, nhất là các chính sách thu hút đầu tư, các thủ tục hành chính, các chính sách mới ban hành; thông tin về quy hoạch, kế hoạch, dự án tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt kịp thời các thông tin cần thiết liên quan đến lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, tận dụng tốt các cơ hội đầu tư và tổ chức hoạt động được nhanh chóng, thuận lợi theo đúng chủ trương, chính sách đã ban hành.

4. Yêu cầu các cơ quan, địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến quá trình thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, từng bước đáp ứng ngày càng cao sự hài lòng của doanh nghiệp đối với cơ quan công quyền và dịch vụ công. Bên cạnh đó cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức, từng bước đáp ứng yêu cầu mới, thay đổi từ trong nhận thức, thói quen, tác phong đến thái độ làm việc, tận tâm, tận tụy phục vụ, nắm vững quy định của pháp luật, chính sách mới để giải quyết công việc một cách công khai, minh bạch và có hiệu quả để chính quyền thực sự là người đồng hành của doanh nghiệp.

5. Đề nghị các cơ quan liên quan cần tham mưu cho UBND tỉnh trong việc xác định giá đất một cách nhanh chóng, chặt chẽ và hợp lý hơn để đảm bảo lợi ích của ngân sách đồng thời phù hợp với định hướng ưu tiên mời gọi đầu tư của tỉnh đối với từng lĩnh vực, trong từng thời kỳ, phù hợp với mặt bằng giá và có tính cạnh tranh trong khu vực.

6. Yêu cầu các ngành chức năng phải sớm hoàn thiện các quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất để cơ quan xúc tiến đầu tư của tỉnh chủ động hơn trong mời gọi đầu tư và khi nhà đầu tư vào tỉnh thì không phải chờ đợi. Căn cứ các quy hoạch được duyệt, việc chấp thuận chủ trương đối với từng dự án đầu tư sẽ được xem xét, quyết định nhanh hơn. Đối với dự án có tính chất quan trọng, nhất là dự án có sử dụng đất, giao cho Sở Xây dựng chủ trì cùng các cơ quan liên quan xây dựng tiêu chí dự án, sau đó giao cho cơ quan xúc tiến đầu tư của tỉnh tổ chức mời gọi, lựa chọn nhà đầu tư phù hợp.

7. Giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh và UBND các địa phương chủ động chuẩn bị quỹ đất, có sẵn hạ tầng để khi có dự án cần đến tái định cư cho nhân dân thì giải quyết nhanh, gọn, không để công tác giải phóng mặt bằng kéo dài như thời gian vừa qua.

 

Hạnh Nguyên